Cái Ve
• Ngày đăng: 02/02/2013 14:48
• Lượt xem: 248
Bọn họ bốn người ngồi đợi bạn đi làm về để ăn cơm sáng. Có lẽ họ cùng đói cả, vì đều yên lặng, đều uể oải chẳng ai chuyện trò với ai. Một người làu nhàu nói một mình:
- Làm gì mà giờ chưa về?
Rồi quay sang hỏi người bên cạnh đương nằm khểnh, vắt chân chữ ngũ, chăm chú dùng móng ngón tay trỏ và ngón tay cái làm nhíp nhổ râu.
- Trường, thằng Việt nó có dặn mày nó không ăn cơm nhà không?
Trường nhăn mặt xuýt xoa, vì đã lơ đãng bấm phải da cằm. Người hỏi thấy vậy nhún vai ngồi im. Một lát, chàng lại cằn nhằn nói một mình:
- Lại lão giáo nữa!
Một hồi chuông giòn giã. Một người thở hổn hển dắt xe đạp đi vào, rồi vừa nhắc xe đặt lên cái giá gỗ, vừa cười nói:
- Xin lỗi các anh. Tôi về hơi muộn vì gặp thằng cha khó chịu quá, nó cứ vật nài đặt xong cho nó cái hòm "ắc qui" để nó đi Đồ Sơn nghỉ mát ngay trưa hôm nay.
- Hừ! ắc qui với chẳng ắc qui! Mười hai rưỡi rồi còn gì? Người ta làm lụng đầu tắt mặt tối, tháng tháng kiếm được mươi mười hai đồng bạc. Đã thế, đến bữa cơm còn chưa được ăn!
- Việt đấy chứ moa thì hết giờ rồi moa cóc lắp nữa, phỏng đã làm gì moa tốt! Tội gì lại chịu đói cào ruột ra để lắp hòm điện cho nó đi nghỉ mát, đi nghỉ mát với gái.
Việt cười xòa:
- Thôi "bạc đồng" cả các anh!... Thì đã giao hẹn cứ đợi đến đúng mười hai giờ là cùng kia mà, sao các anh còn...
Trường ngắt lời Việt, cất tiếng gọi:
- Ve! Có cho người ta ăn không?
- Xong rồi đây!
Một người con gái bưng mâm cơm ra, đặt lên phản. Nàng y phục nửa thôn quê, nửa thành thị: cái quần vải thâm, cái áo dài vải đồng lầm cài kín tà, để chừa lại khuy cổ và khuy vai, cái khăn nhung vấn lẳn vành, mái tóc rẽ hơi lệch như muốn theo kiểu mới, nhưng còn nhút nhát, rụt rè, chưa dám quả quyết.
Nhẩm đếm trong mâm có năm cái bát và năm đôi đũa. San, người thợ nguội ở một xưởng chữa ô tô, hất hàm hỏi:
- Thế nào, Ve, ông giáo bữa sáng nay lại không cùng ăn?
- Mời các bác xơi cơm thôi, hôm nay dễ ông ấy đi ăn cơm khách, vì mãi giờ vẫn chưa thấy về. Với lại ông ấy đã dặn hễ đến bữa mà ông ấy chưa về thì đừng đợi cơm, đừng để phần để phiếc gì hết.
Không nghĩ ngợi, không do dự, năm người ngồi xuống ăn liền. Họ vẫn chẳng ưa gì ông giáo Thanh mà họ cho là không vào cảnh lao động với họ: một người kiêu ngạo, ít nói, vui buồn không để lộ ra ngoài mặt, một người đã
Trang: 1/12