Chỉ Một Mùa Xuân
• Ngày đăng: 13/02/2013 08:22
• Lượt xem: 489
Tôi sinh ra và lớn lên trong một làng nhỏ nằm dọc theo một nhánh sông của sông Thu Bồn. Làng tôi có cái tên gọi dễ thương là làng Châu Hiệp theo nghĩa trong câu "Châu về hợp phố" nhưng mọi người thường biết dưới một tên khác quen thuộc hơn là làng Mã Châu. Sở dĩ làng được nhiều người biết đến vì nơi nầy nổi tiếng về nghề ươm tơ dệt lụa.
Làng tôi không lớn lắm, chỉ chừng vài cây số vuông, chạy dài từ giếng Tứ Trụ đến Chùa Ba Phong. Theo nhà thơ Trung Nhân, thì dù cùng uống nước chung một giếng nhưng dân ở bên nầy đường nói giọng khác dân ở bên kia đường. Tôi vẫn dặn lòng mai nầy có dịp trở về sẽ tìm cách kiểm nghiệm lời anh Trung Nhân kể. Tuổi thơ của tôi gắn liền với màu áo lam hiền hòa của Gia Đình Phật Tử, với những bài hát dễ thương, những cái gút, những tiếng còi, tiếng ve, những trò chơi lớn, những đêm lửa trại và cả tiếng chuông chiều, kinh tối của chùa Ba Phong, trung tâm sinh hoạt tinh thần cho cả làng.
Tôi còn nhớ ngày đầu tiên tôi gia nhập Gia Đình Phật Tử, cha tôi may một bộ đồ đoàn sinh gồm một chiếc áo lam và một quần ngắn có hai chiếc dây quàng tréo qua vai. Tính cha tôi hà tiện nên may phòng hờ khi tôi sẽ lớn hơn vẫn còn mặc được. Nhưng khổ nỗi ông lại quá lo xa nên bộ đồ đoàn sinh vừa rộng và cũng vừa dài trông chẳng khác gì mặc đồ người lớn. Nhất là cái quần. Quần ngắn mà trông chẳng khác gì quần dài. Trông thật chẳng giống ai. Tôi phản đối kịch liệt nhưng cũng biết đời nào ông ta chịu đem đi tiệm sửa ngắn lại. Và cứ thế, giống như bao nhiêu đứa bé khác trong làng, thời thơ ấu của chúng tôi được che mát dưới mái chùa Ba Phong của làng Mã Châu tơ lụa.
Nhưng mái chùa cũng chẳng che chở được bao lâu thì chiến tranh tràn đến. Làng Mã Châu không còn những ngày tháng thanh bình như trước. Những trận đánh lẻ tẻ đã diễn ra. Tiếng súng đêm đêm đã vọng về từ bên phía kia sông. Trong làng đã có vài thanh niên chết trận. Màu hỏa châu soi bói và đe dọa đã thay thế cho ánh trăng vàng thân thương quen thuộc. Nhiều đơn vị lính Mỹ từ Đà Nẵng đã đổ lên và thỉnh thoảng dừng lại ở làng Mã Châu vài hôm. Sự hiện diện của người Mỹ, ít nhiều, đã làm xao động nếp sống bình thường của dân chúng trong làng. Họ thiện cảm với người Mỹ thì ít mà nghi ngờ thì nhiều. Điều đó chẳng có gì lạ, kinh nghiệm để lại từ suốt mấy nghìn năm lịch sử của dân tộc
Trang: 1/5