Chỉ Một Mùa Xuân
• Ngày đăng: 13/02/2013 08:22
• Lượt xem: 487
Việt Nam, chưa hề có một ngoại bang nào đến để thật sự giúp đỡ, khai hóa, nâng cao dân sinh, dân trí. Tất cả chỉ nhằm đồng hóa, nô lệ và bóc lột dân tộc tôi mà thôi. Nếu thực dân Pháp, trước đây, có xây một chiếc cầu, đắp một con lộ chẳng qua là để họ dễ dàng chuyển quân, để họ nhanh chóng trấn áp những cuộc nổi dậy của ông bà tôi. Nếu họ có xây một trường học cũng chỉ để gieo rắc ảnh hưởng thực dân vào tâm hồn Việt Nam. Nếu họ có mở ra những phong trào thể thao thể dục như giải "Đua xe đạp vòng Đông Dương", giải "Quần vợt Đông Dương", giải "Túc cầu Đông Dương" chẳng qua nhằm ru ngủ dân tộc Việt Nam, để ông bà tôi sống trên những hào quang giả tạo mà quên đi thân phận nô lệ của mình.
Trong gia đình Phật Tử chúng tôi, thì tôi và Hương là thân nhau nhất. Cô bé trạc tuổi tôi, cùng học một trường và cùng đi về chung một đường. Nói chung, ngoài khi ăn khi ngủ, chúng tôi chia xẻ nhau hết những thời gian còn lại. Chúng tôi đi chùa chung, học bài chung, tập hát chung. Hương thích nghe kể chuyện nhưng tôi cũng chỉ là một cậu bé thì biết chuyện gì mà kể. Cũng may tôi thuộc loại "cái miệng sinh ra trước cái đầu" nên bịa ra trăm thứ chuyện để làm vui lòng cô bạn nhỏ. Chuyện chẳng đâu vào đâu nhưng Hương bao giờ vẫn chăm chú nghe một cách thích thú.
Ba tôi cũng dành cho Hương một tình thương chân thành như tình thương dành cho người con. Có cái gì ngon ông cũng để dành cho cô bé một phần. Hương không có cha nên thường dùng những lời khuyên nhủ và sự săn sóc của ba tôi như một niềm an ủi tinh thần tự nhiên và cần thiết. Có lần tôi hỏi Hương có phải cha cô ta đã chết thì Hương lại lắc đầu, quay đi và trả lời là không biết. Tôi hỏi dì Năm, mẹ Hương, thì dì Năm cũng không trả lời, chỉ ậm ừ cho qua chuyện. Tôi về nhà hỏi ba tôi thì ba tôi cũng không trả lời. Tôi cảm nhận ra có một chuyện gì đó không ổn về số phận của cha Hương nhưng vẫn không tìm đâu ra một lời giải đáp thỏa đáng. Còn tôi thì không có em gái nên bao nhiêu tình thương tôi chỉ dành cho Hương, một tình thương của tuổi thơ tự nhiên và thánh thiện.
Chiến tranh cũng đã hạn chế rất nhiều sinh hoạt trong Gia Đình Phật Tử chúng tôi. Không còn những đêm trăng sáng quây quần bên lửa hồng. Không còn những buổi đóng trại ở lại suốt hai ba ngày đêm. Đến những năm 1966, 1967 thì phần cuối của làng, trong đó có chùa Ba Phong,
Trang: 2/5